Mưa, lũ gây ngập lụt trên diện rộng tại thành phố Lạng Sơn hồi tháng 7 vừa qua. Ảnh: Báo Lạng Sơn
Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống mưa, lũ hiệu quả, thực hiện Công điện số 08/CĐ-TW hồi 16h ngày 12/8/2014 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực phía Bắc, triển khai ngay những việc sau đây:
1. Theo dõi diễn biến của mưa, lũ; chủ động phòng chống lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở vùng trũng; phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời chính xác, hạn chế thấp nhất về người và tài sản do mưa, lũ gây ra.
2. Sở Y tế các tỉnh xây dựng các phương án: Bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, những vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng. Hướng dẫn nhân dân cách thức xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn gây chia cắt dài ngày. Khi có lệnh, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ở khu vực nguy hiểm.
3. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do ảnh hưởng của mưa, lũ, sạt lở đất. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.
4. Các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực ban, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Trước đó, vào những ngày giữa tháng 7 vừa qua, mưa lũ do ảnh hưởng từ cơn bão Rammasun đã gây sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc làm 24 người chết, trong đó nhiều nhất là tỉnh Hà Giang có 7 người chết. Ngoài ra, tại Lào Cai cũng có 3 người bị sét đánh chết trong lúc mưa giông. Sạt lở đất, mưa lũ trong tháng 7 vừa qua cũng làm 6.033 căn nhà bị ngập, 737 căn nhà đổ sập, 490 căn tốc mái, hơn 4.300 héc ta lúa bị ngập úng, gần 2.500 gia súc, gia cầm chết hoặc bị nước cuốn trôi, 130 héc ta diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, gần 1.700 mét đường giao thông bị sạt lở … với tổng thiệt hại ước tính hơn 650 tỉ đồng. Một số nơi bị thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua, gồm Lạng Sơn thiệt hại 460 tỉ đồng, Điện Biên gần 60 tỉ đồng, Cao Bằng 40 tỉ đồng, Sơn La 35 tỉ đồng. |
Bình luận của bạn